Gián có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên loài vật gây hại này phát triển mạnh mẽ ở những vùng khí hậu ấm áp. Đặc biệt tại các vùng đông dân và thành phố có lượng rác thải lớn, ô nhiễm nặng.
Gián Mỹ và gián Đức là loài côn trùng gây hại phổ biến ở Việt Nam với mức độ sinh trưởng nhanh chóng. Ngoài ra, các sinh vật này hiện nay được cảnh báo có dấu hiệu “nhờn” thuốc diệt côn trùng. Hơn thế nữa, chúng có khả năng sinh tồn cao khi duy trì được sự sống đến ba tháng mà không cần thức ăn. Vậy loại côn trùng gây hại này phiền toái và nguy hại đến mức nào? Cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết dưới đây.
Gián lây truyền chất bẩn, dịch hại
Gián có vòng đời dài và sinh sản tốt nên việc tiêu diệt chúng khá khó khăn
Gián ngoài việc là một động vật có mùi hôi cũng như mang nhiều chất bẩn, đây còn là loài côn trùng có thể cắn người. Ở một số loài gián, chúng có xu hướng gặm nhấm móng chân, móng tay và vùng da mềm mại. Tuy nhiên, các vết cắn của gián thường không gây độc mà chỉ gây khó chịu trong thời gian ngắn. Một nguy cơ khác, gián con có thể chui vào mũi hoặc tai khi chúng ta ngủ gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe. Nếu bạn dễ bị dị ứng, thì gián con và trứng gián có thể khiến bạn dễ mắc phải các bệnh về hô hấp, đặc biệt là hen suyễn.
Những bệnh có thể bị lây bởi gián
1. Dị ứng, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp
Gián gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người vì một số chất gây dị ứng có trong phân, nước bọt và các bộ phận cơ thể. Những thành phần có trong trứng gián là nguyên nhân gây sốc phản vệ hoặc triệu chứng hen suyễn, đặc biệt là ở trẻ em.
2. Ô nhiễm thực phẩm và lây truyền vi khuẩn gây hại
Gián ăn hầu hết những gì chúng tiếp cận, bao gồm: Thực phẩm, thực vật, keo dán, xà phòng, bao bì ni lông, rác, phân… Nguồn thức ăn không vệ sinh khiến gián tiết ra nước bọt có chứa vi khuẩn gây hại như Salmonella, E.coli,… Tiếp xúc với vi khuẩn này thông qua các thực phẩm gián đã chạm vào sẽ gây ra các bệnh dị ứng, phản ứng đường ruột, ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng đường tiết niệu,…
Gián sinh sôi nhanh kéo theo những phiền toái cho gia đình bạn
3. Các bệnh xuất huyết dạ dày, nhiễm khuẩn máu
Những con gián trong thời gian sinh sản và trứng của nó có thể vận chuyển thụ động các vi khuẩn trên bề mặt cơ thể của chúng bao gồm các mầm bệnh có khả năng gây nguy hiểm cho con người. Gián là loài côn trùng có liên quan đến sự lây lan của 33 loại vi khuẩn, bao gồm các khuẩn E. coli và Salmonella, sáu loại giun ký sinh và hơn bảy loại mầm bệnh khác ở người.
Vi khuẩn E. coli và Salmonella là nguyên nhân cổ điển gây ngộ độc thực phẩm, hoặc viêm dạ dày, viêm đại tràng. Các triệu chứng phổ biến từ ngộ độc trứng gián, gián con bao gồm đau bụng dữ dội và tiêu chảy, đi ngoài ra máu, nôn mửa. Một số người có thể bị tiêu chảy nghiêm trọng, gây mất nước trầm trọng phải nhập viện. Trong một số ít trường hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng con người.
Gây hại cho các vật dụng gia đình
Gián không chỉ xuất hiện cùng mùi hôi khó chịu mà còn không ngừng gặm nhấm, phá hoại những đồ vật mà chúng bắt gặp, gây ra thiệt hại về kinh tế cho gia đình.
Việc gặm nhấm gây hư hại quần áo cũng là một trong những phiền toái của gián. Nếu nhà bạn có những tấm thảm được làm từ sợi tự nhiên, thậm chí là rèm cửa cũng là những đồ vật dễ bị gián phá hoại. Đặc biệt trong mùa sinh sản, hoặc những con gián con làm tổ trong nhà bạn, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các kẽ hở của tủ, kệ để tìm nguồn thức ăn khác, ngay khi chúng thiếu hụt thực phẩm hoặc rác.
Các vụ cháy nổ nhẹ và báo động hoả hoạn tại các chung cư đôi khi cũng đến từ loài côn trùng này. Những con gián thích nơi ẩm thấp, nhiệt độ cao và bụi bặm. Chính vì thế các tủ điện hoặc báo cháy dưới chân cầu thang sẽ là địa điểm cư trú lý tưởng của gián. Một điểm khác nữa là dây điện thường được bảo vệ và cách điện với chất cellulose hoặc giấy, là yếu tố thu hút gián khi chúng đang săn lùng thức ăn.
Kết luận
Tác hại của gián không chỉ dừng lại ở mức độ ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước mà còn có thể đe dọa đến tính mạng nếu chúng lan truyền những vi khuẩn vào máu và cơ thể. Ngăn chặn và tiêu diệt triệt để, phòng ngừa sự xuất hiện của gián là việc cần thiết và cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, nếu các tổ gián, gián con, trứng gián xuất hiện gần khu vực chế biến thức ăn, bạn cần nhanh chóng xử lý vấn đề bằng cách biện pháp tiêu diệt côn trùng hiện đại.